Trên tinh thần người người, nhà nhà cùng chung sức đẩy lùi đại dịch Covid 19, ngoài nghiêm chỉnh tuân thủ chỉ thị 5K của Bộ Y Tế thì việc chủ động và hưởng ứng tiêm phòng vắc-xin phòng dịch bệnh cũng thực sự quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp mọi người tổng hợp được những khuyến cáo từ cơ quan chức năng cho việc tiêm phòng vắc-xin phòng Covid 19 và đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn và cả gia đình luôn được khỏe mạnh, cùng chung tay chống lại dịch bệnh nguy hiểm.
1. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC VÀ SAU KHI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19
- Trước khi tiêm:
- Chuẩn bị về hồ sơ:
- CMND/CCCD hoặc thẻ BHYT để xác thực thông tin cá nhân;
- Sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm vắc xin khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có);
- Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại, khai báo thông tin cần thiết.
- Chuẩn bị về sức khỏe:
- Đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K khi đi tiêm chủng;
- Ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng;
- Chủ động khai báo với cán bộ y tế các thông tin sức khỏe:
- Tình trạng sức khỏe hiện tại;
- Các bệnh mạn tính: đang hoặc đã điều trị;
- Các thuốc, liệu trình điều trị: đang hoặc đã sử dụng gần đây;
- Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào: người có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên sẽ bị chống chỉ định tiêm vắc-xin;
- Các vắc xin tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày gần đây;
- Có đang mang thai hoặc nuôi con bú (nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ).
- Chuẩn bị về thông tin tiêm chủng:
- Tìm hiểu về vắc xin phòng Covid-19: loại được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo;
- Các dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi tiêm chủng và cách xử lý;
- Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
- Chuẩn bị về hồ sơ:
- Sau khi tiêm:
- Theo dõi sức khỏe:
- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng;
- Khi về nhà, nơi làm việc: theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần;
- Lưu giữ cẩn thận phiếu xác nhận tiêm chủng và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo.
- Phản ứng thông thường:
- Xuất hiện sau khi tiêm như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn,… (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm);
- Đây là phản ứng cho thấy cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh Covid-19. Khi gặp các phản ứng này, bạn có thể nghỉ ngơi và sử dụng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường như: Paracetamol hoặc Ibuprofen theo liều khuyến cáo, nhớ theo dõi hiệu quả đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau.
- Phản ứng nghiêm trọng (hiếm gặp):
- Xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày đầu như:
- Sốt cao bằng hoặc hơn 39 độ; chỗ tiêm: sưng/đỏ lan rộng;
- Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi,…;
- Ở da: phát ban, mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da,…;
- Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc,…;
- Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng,…;
- Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho,…;
- Huyết áp: tăng, tụt hoặc kẹt huyết áp;
- Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, đau cơ dữ dội…;
- Khi gặp các phản ứng này bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời.
- Xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày đầu như:
- Theo dõi sức khỏe:
Sau khi tiêm vắc xin COVID -19, để cơ thể nhanh phục hồi và khỏe mạnh, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi hợp lý, cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.
2. NHÓM THỰC PHẨM/ĐỒ UỐNG NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG SAU KHI TIÊM
- Thực phẩm/Đồ uống nên dùng:
- Nước: Sau khi tiêm vắc xin COVID -19, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể lại càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng. Khi uống nước, nên uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp thêm vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.
- Cá: Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể: vitamin A, D, magie, kẽm…. Đặc biệt, một số loại cá chứa lượng lớn Omega-3: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy nên ăn tăng cường ăn cá, ít nhất 3 lần/tuần.
- Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể. Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào biệt hóa tế bào miễn dịch. Đồng thời, vitamin A cũng có vai trò trong bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp là những hàng rào đầu tiên ngăn cản mầm bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A: Gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, rau bina, xoài, bông cải xanh, dầu gan cá…
- Thực phẩm giàu vitamin C, E: Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Cả vitamin C và vitamin E đều được biết đến với vai trò chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh, bao gồm: bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải,… Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
- Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D: Cá, trứng, sữa…
Sau khi tiêm vắc xin COVID -19 người có thể mệt mỏi, sốt, sưng đau và chán ăn, vì vậy bạn có thể chia nhỏ bữa ăn, đa dạng các nhóm thực phẩm cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo đậu xanh thịt băm…; uống nhiều nước, nước ép hoa quả; hay bổ sung thêm các dạng thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng an toàn, hiệu quả khi cần thiết giúp tăng cường đề kháng và bổ sung canxi – multi vitamin cho bạn và cả gia đình.
- Thực phẩm/Đồ uống không nên dùng:
- Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa: Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên… chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.
- Rượu: Nên tránh uống rượu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vì rượu có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin.
Để tối ưu hiệu quả của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ đúng số liều, số mũi tiêm quy định. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% – 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sau khi tiêm chủng vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) cũng như súc miệng với các chất kháng khuẩn mang lại hiệu quả trong việc giảm tải lượng vi rút trong dịch miệng và xịt mũi bằng dung dịch muối hồng Himalaya giúp ngăn sự xâm nhập của các loại virus vào khoang mũi, từ đó đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19.
Tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus SARS-CoV-2, các loại vắc xin phòng COVID-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong”. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.
– Nguồn thông tin: Bộ Y tế Việt Nam; Trung Tâm Quốc Gia về Chủng Ngừa và Bệnh Hô Hấp (NCIRD), Phân Ban Bệnh Do Vi-rút; BS. Phan Thị Hồng Diệu (Trường Đại học Y Hà Nội).
– Tổng hợp thông tin: Dược sĩ Minh Hà – Kentek Pharma.